Chiều ngày 02/10/2015, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức Diễn đàn Ngày Thứ Sáu với chủ đề “Phương pháp hỗ trợ giải phóng cảm xúc và khám phá bản thân” do chị Tô Thị Hạnh – chuyên gia dự án Flinders và chị Đỗ Thị Trang – Nhân viên nâng cao năng lực Phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển làm diễn giả. Đây là phương pháp hỗ trợ giải phóng cảm xúc và khám phá bản thân thông qua âm nhạc và các chuyển động phi ngôn ngữ nhằm nâng cao sự tự tin biểu đạt của bản thân và kết nối cá nhân với nhóm phụ nữ yếu thế. Tham dự Diễn đàn có 30 người là các cán bộ xã hội, cán bộ tham vấn, nhà nghiên cứu, giảng viên trong lĩnh vực công tác xã hội và tham vấn về bạo lực trên cơ sở giới, thành viên mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn Hà Nội.
Theo chia sẻ của chị Tô Thị Hạnh, Nhảy múa sáng tạo (không âm nhạc) là một phương pháp trị liệu tâm lý dùng chuyển động cơ thể để tác động lên các chức năng về cảm xúc, nhận thức và hành vi. Đây là phương pháp được tạo ra để tăng cường những ảnh hưởng tích cực của tâm trí lên thể xác, đồng thời nâng cao khả năng biểu đạt của cơ thể. Suy nghĩ và cảm xúc có những ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến các chức năng sinh học của cơ thể và ngược lại. Nhảy múa là một trong những cách bộc lộ cảm xúc căn bản, được dùng để giải tỏa năng lượng của các cảm xúc bên ngoài. Vì vậy trị liệu bằng nhảy múa sáng tạo giúp con người khám phá sức mạnh bản thân, tăng cường khả năng tập trung và được dùng như một phương pháp để giải tỏa mặc cảm tự ti.
Ngược lại với Nhày múa sáng tạo không âm nhạc, chị Đỗ Thị Trang đã giới thiệu cho diễn đàn về phương pháp âm nhạc trị liệu. Âm nhạc được dùng trong rất nhiều hình thức để tạo ra những hành vi như mong muốn và đánh thức xúc cảm của mỗi người, vượt qua thời gian và không gian nên có tính lâu bền. Trị liệu âm nhạc “sử dụng âm thanh và âm nhạc có tổ chức trong mối quan hệ liên quan giữa thân chủ và nhà trị liệu để hỗ trợ và khuyến khích tinh thần và thể chất của thân chủ khỏe mạnh” (Bunt, 1994). Đến với âm nhạc không đòi hỏi phải được đào tạo trước đó bởi vì khả năng đáp ứng với âm nhạc là bẩm sinh ở con người và nó không hề bị suy giảm bởi khuyết tật, ôm đau, hay những tổn thương. Trị liệu âm nhạc có thể cung cấp cho thân chủ nhiều cách hiệu quả hơn để giao tiếp và ứng phó với những khó khăn của họ, phục hồi những kỹ năng và duy trì cũng như phát triển.
Có thể nói, thông qua Diễn đàn Ngày Thứ Sáu lần này, các thành viên tham dự đã bước đầu tiếp cận được với hai phương pháp hỗ trợ giải phóng cảm xúc và khám phá bản thân. Hai phương pháp này không chỉ giúp mọi người biết cách khôi phục năng lượng bản thân, mà còn có thể vận dụng trong công tác xã hội để giúp đỡ nhóm phụ nữ yếu thế trong việc gợi mở nỗi niềm và giải tỏa cảm xúc tiêu cực của họ. Diễn đàn Ngày Thứ Sáu đang dần từng bước trở thành sự kiện thường xuyên để kết nối các nhà hoạt động xã hội, những người quan tâm về lĩnh vực bình đẳng giới.
Kim Hồng
- Hội thảo Quản lý ca: Vai trò của đường dây nóng phòng, chống mua bán người trong cơ chế chuyển tuyến
- DIỄN ĐÀN NGÀY THỨ SÁU: Kỹ năng làm chủ cuộc sống
- Diễn đàn Phụ nữ, Hòa bình và Phát triển
- Ngày hội Đồng giá Peace Shop ủng hộ cho phụ nữ yếu thế
- Sinh hoạt chuyên đề về văn hóa tín ngưỡng trong gia đình Việt
- Câu lạc bộ Huyền Học đến thăm và ủng hộ cho Ngôi nhà Bình Yên tại CWD
- Sinh hoạt chuyên đề: Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
- Khai mạc Tuần lễ Văn hoá Ẩm thực Việt Nam tại Trung Quốc.
- Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ III: Biểu dương hơn 400 phụ nữ điển hình tiên tiến
- Công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động khuyết tật năm 2015