Đồng hành cùng sự phát triển của Phụ nữ

Tin tức

Tin tức

Liên hệ

Bạo lực không có lý do: Hãy cùng Ngôi nhà Bình yên bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em

07.05.2025
Admin

Từ vụ việc một DJ bạo hành vợ khi đang nuôi con nhỏ 5 tháng gây ồn ào mạng xã hội gần đây, dễ dàng nhận thấy dư luận cực lực phản đối hành động vũ phu của người chồng. Điều đó có thể hiện hết cái nhìn của xã hội về bạo lực gia đình? Có phải mọi người đều sẵn sàng lên tiếng đế chấm dứt bạo lực?

Với những người làm việc lâu năm trong ngành công tác xã hội và phòng chống bạo lực gia đình như các cán bộ Trung tâm Trợ giúp Xã hội – Ngôi nhà Bình yên, thực chất vẫn còn một bộ phận không nhỏ ý kiến gián tiếp ủng hộ hành động bạo lực, hoặc đổ lỗi cho nạn nhân.

“Loại như vậy bị đánh cũng vừa”;
“Ngu thì chịu chứ ai bảo cứ bâu vào nó”;
“Không thể giải quyết chuyện cá nhân trong im lặng được hả? Sao phải la làng cho cả thế giới biết vậy?”

….

Những bình luận như thế bạn có thể ít gặp trên mạng xã hội, nhưng ngoài đời, nó vẫn được xầm xì và lan truyền từ người nọ qua người kia, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Nhiều cán bộ Hội phụ nữ cơ sở đã từng chia sẻ, khi xuống địa bàn hỗ trợ các ca bạo hành, họ hay thấy những bình phẩm “hẳn là phải lý do gì đó” dành cho nạn nhân hoặc những định kiến núp bóng những lời khuyên về các chuẩn mực xã hội như các yêu cầu về đạo đức, ngoại hình, hành xử… của người phụ nữ thay vì quan tâm đến sự an toàn về cả thể chất và tinh thần của họ.

Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thương thể xác mà còn để lại những vết sẹo tinh thần sâu sắc cho nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Theo số liệu khảo sát quốc gia, trong 5 năm gần đây, gần 63% phụ nữ Việt Nam cho biết từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, nhưng đáng buồn là 90,4% phụ nữ bị bạo lực chọn im lặng​. Một trong những rào cản lớn nhất khiến họ không thể lên tiếng chính là sự thờ ơ, đổ lỗi của cộng đồng.

(Ảnh minh họa - ảnh tham gia cuộc thi vẽ tranh Nói không với bạo lực gia đình)

Khi một người phụ nữ sống trong bạo lực, mỗi quyết định họ đưa ra đều là kết quả của vô vàn cân nhắc, đấu tranh nội tâm và nỗ lực tìm kiếm sự an toàn trong điều kiện vô cùng khó khăn. Họ cần được ủng hộ và hỗ trợ không chỉ bằng những lời bênh vực online, mà là những hành động thực chất.

Khi chứng kiến hoặc nghi ngờ ai đó đang sống trong bạo lực, hãy:

  • Lắng nghe họ bằng sự chân thành, không phán xét.
  • Quan tâm đến sự an toàn của họ trước bất kỳ điều gì khác.
  • Báo cáo tình trạng với các cơ quan chức năng: công an, hội phụ nữ xã phường.
  • Giúp họ kết nối với các tổ chức xã hội chuyên nghiệp như Ngôi nhà Bình yên để nhận hỗ trợ kịp thời.

Nếu bạn hoặc người bạn biết đang cần giúp đỡ, hãy liên hệ ngay Tổng đài 24/7 của Ngôi nhà Bình yên: 1900 96 96 80 (hoạt động 24/7) để được hỗ trợ.

Hãy hiểu rằng:

  • Bạo lực không bao giờ có lý do chính đáng. Người gây ra bạo lực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dù vì bất kỳ nguyên nhân nào – áp lực kinh tế, mâu thuẫn gia đình, căng thẳng tâm lý hay những bất đồng trong quan hệ – thì hành vi bạo lực đều không thể được biện minh. Việc đánh đập, xúc phạm, kiểm soát hay lạm dụng người khác là vi phạm quyền con người và pháp luật. Đổ lỗi cho nạn nhân hay cố gắng lý giải cho hành động bạo lực chỉ khiến vấn đề thêm trầm trọng và duy trì một môi trường dung túng bất công. Người gây bạo lực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chỉ khi chúng ta thống nhất quan điểm rằng bạo lực luôn là sai trái, không chấp nhận bất cứ hình thức biện hộ nào, xã hội mới thực sự tạo được môi trường an toàn để phụ nữ và trẻ em có thể sống và phát triển trong sự tôn trọng, bình đẳng và yêu thương.
  • Sự an toàn của nạn nhân – đặc biệt là phụ nữ và trẻ em – luôn là ưu tiên số 1. Khi đối mặt với các tình huống bạo lực gia đình, điều đầu tiên và quan trọng nhất không phải là tìm kiếm nguyên nhân hay xét đoán đúng sai, mà là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nạn nhân. Mọi hành động hỗ trợ, mọi quyết định can thiệp cần xuất phát từ mục tiêu bảo vệ sự sống, sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bị hại, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em – những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Sự an toàn không chỉ đơn thuần là tránh được bạo lực trước mắt, mà còn là tạo dựng một môi trường ổn định, nơi nạn nhân có thể hồi phục, tái thiết cuộc đời và tìm lại giá trị bản thân.
  • Im lặng không phải là giải pháp. Chỉ khi lên tiếng, chúng ta mới có thể chấm dứt vòng xoáy bạo lực. Nỗi sợ hãi, sự xấu hổ hay những định kiến xã hội đã khiến quá nhiều nạn nhân chọn cách im lặng, tự chịu đựng trong đau khổ. Nhưng im lặng chỉ tiếp tay cho bạo lực kéo dài và tái diễn. Lên tiếng – dù chỉ bằng một lời chia sẻ nhỏ, một cuộc gọi cầu cứu, hay một thông báo tới cơ quan chức năng – chính là hành động dũng cảm để phá vỡ chu kỳ bạo lực. Đồng thời, sự đồng lòng lên tiếng từ cộng đồng cũng là tấm khiên vững chắc, là nguồn động viên lớn để nạn nhân tìm thấy lối ra cho mình. Một xã hội an toàn chỉ có thể hình thành khi không ai còn phải sợ hãi khi cất tiếng nói bảo vệ chính mình.

-----------------------------------------------

Ngôi nhà Bình yên – 18 năm bền bỉ vì sự an toàn của phụ nữ

Suốt 18 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã hỗ trợ gần 1.800 ca là nạn nhân bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người.

Là một trung tâm trợ giúp xã hội được cấp phép bởi Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội, Ngôi nhà Bình yên (NNBY) cung cấp 9 dịch vụ toàn diện, miễn phí cho người tạm trú, bao gồm:

- Cung cấp nơi ăn ở an toàn miễn phí: NNBY có thể nơi ăn ở cho 15-20 phụ nữ/trẻ em tại cùng một thời điểm, được bảo vệ 24/24 giờ. ​Thời gian tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên là 3 tháng đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình và 6 tháng đối với nạn nhân bị mua bán người, hoặc có thể gia hạn nếu vấn đề an toàn chưa được đảm bảo.

- Chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ y tế: Trong thời gian tạm trú, nạn nhân được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe như thăm khám và điều trị các tổn thương về thể chất; kiểm tra các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, đồng thời hỗ trợ điều trị các bệnh phát sinh.​ Ngoài ra, nạn nhân còn được tư vấn và đảm bảo chế độ dinh dưỡng (nếu cần), giúp phục hồi sức khỏe thể chất.

- Hỗ trợ tham vấn bình ổn tâm lý, phục hồi sức khỏe tâm thần và giải quyết khó khăn trong đời sống: NNBY thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm, vui chơi giải trí, dã ngoại và làm sản phẩm thủ công giúp chị em bình ổn tâm lý. Một số trường hợp, người tạm trú (NTT) còn được hỗ trợ trị liệu tâm lý bởi các chuyên gia có chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bạo lực giới.

NTT nếu có nhu cầu, sẽ được kết nối với luật sư, tư vấn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình giải quyết vấn đề bạo lực.

-  Tư vấn học nghề, việc làm: Nhân viên xã hội sẽ tư vấn, giúp nạn nhân lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, sức khỏe và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình; được gửi đi học nghề tại các địa chỉ tin cậy và kết nối tìm kiếm các cơ hội việc làm. Nhiều trường hợp, nạn nhân đã nhận được gói hỗ trợ hồi gia là những trang thiết bị phù hợp với nghề được đào tạo, cây/con giống… để tự tin tái hòa nhập bền vững.​

- Nâng cao kiến thức, kỹ năng: NNBY thường xuyên hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng mề, cung cấp các kiến thức về BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho NTT.

- Theo dõi hỗ trợ hồi gia: NTT sẽ tiếp tục được hỗ trợ 24 tháng sau khi rời NNBY thông qua việc thường xuyên trao đổi với NTT và những người hỗ trợ NTT tại cộng đồng (đã được xác định trước) để nắm bắt tình hình sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống, gia đình…, qua đó có hướng dẫn, tư vấn và đề xuất hỗ trợ giúp chị em tự tin, hòa nhập cộng đồng bằng sức lao động của mình và ổn định cuộc sống.

Tin tức liên quan

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thăm và tặng quà 2 nạn nhân mua bán người tại Hải Phòng
23.02.2023

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thăm và tặng quà 2 nạn nhân mua bán người tại Hải Phòng

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) phối hợp cùng Tổ chức di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) đã thăm và tặng quà cho 2 nạn nhân của nạn mua bán người tại Hải Phòng. Đi cùng đoàn có đại diện Hội LHPN TP Hải Phòng.
Thăm hỏi, hỗ trợ một nạn nhân ở Hà Tĩnh bị lừa bán sang nước ngoài
17.02.2023

Thăm hỏi, hỗ trợ một nạn nhân ở Hà Tĩnh bị lừa bán sang nước ngoài

Đến thăm chị N.T.H ở xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), đại diện Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội LHPN Việt Nam) đã động viên, hỗ trợ và mong muốn chị sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Tôn trọng và đảm bảo an toàn trong hỗ trợ phụ nữ, trẻ em di cư mất an toàn và mua bán trở về
01.12.2022

Tôn trọng và đảm bảo an toàn trong hỗ trợ phụ nữ, trẻ em di cư mất an toàn và mua bán trở về

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP; Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women); sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia phối hợp tổ chức sự kiện “Bữa sáng Ruy băng trắng 2022” với chủ đề “Đảm bảo tôn trọng và an toàn trong hỗ trợ phụ nữ, trẻ em di cư mất an toàn và mua bán trở về”.