Đồng hành cùng sự phát triển của Phụ nữ

Gây quỹ vì sự bình yên

Gây quỹ vì sự bình yên

Bước qua nỗi đau bạo hành

24.07.2023
“Sợ lắm, đừng lên tiếng, đừng nói gì nhé. Bố mà nghe bố đánh đấy, sợ lắm…” - Câu nói được thốt lên trong lúc cấp bách của người mẹ khi ôm con trốn khỏi người chồng, người cha đang điên loạn

Chỉ sợ con thấy bố sẽ gọi hay hoang mang quá mà khóc lên, nhưng không, một đứa trẻ chỉ mới 2 tuổi khi nghe câu nói ấy lại không hề lên tiếng, im thin thít và ôm chặt lấy mẹ…

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Kết hôn hơn 10 năm, cả hai đến với nhau sau khi chồng kiên trì theo đuổi, hai gia đình lại cùng xã, có mối giao hảo từ trước nên cuộc hôn nhân này được xem là môn đăng hộ đối. Những tưởng rằng mình đã tìm được bến đậu hạnh phúc nhưng chỉ sau hơn 1 năm về chung sống, mọi chuyện thay đổi khiến chị T không thể ngờ được.

Chị còn nhớ như in lần đầu tiên bị chồng tát là khi chị đang mang thai con trai đầu lòng, được nuôi dạy trong một gia đình gia giáo, bản thân lại là giáo viên nên chị càng không ngờ mình lại rơi vào hoàn cảnh này. Cái tát ấy được chồng bao biện là vì say xỉn, mất kiềm chế nhưng chính nó đã châm ngòi cho những lần bạo lực tiếp theo, nhiều hơn cả về tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng. Chồng chị T - anh Q vì tính chất công việc nên thường xuyên phải xa nhà, chỉ về 2 ngày cuối tuần, mỗi lần ở nhà, anh Q lại đi uống rượu, tụ tập, kiếm cớ để chửi bới và đánh đập vợ con. Mỗi lần như thế, chị T lại ôm hai con chạy trốn khỏi nhà để thoát khỏi những trận đòn vô cớ. “Thời gian đầu thì cũng vẫn còn chịu đựng được vì dù gì cũng chỉ về nhà vào cuối tuần, nhưng kể từ lúc anh ấy bị cho thôi việc, ở nhà thường xuyên thì mọi chuyện càng tồi tệ hơn” – chị T nói.

Đầu năm 2020 sau khi anh Q bị đuổi việc, thường xuyên uống rượu, có triệu chứng của sảng rượu, chửi bới, có thể đánh vợ con vì bất cứ lý do nào. Chị T từng bị anh Q bóp cổ, nếu khóc sẽ càng bị đánh nhiều hơn. Thời gian đầu chị T cũng đã xin việc cho chồng ở cùng đơn vị chị đang công tác nhưng vì rượu nên anh ta gây gổ với nhân viên khác, được cấp trên chuyển công việc nhưng anh Q vẫn không hoàn thành. Câu chuyện kéo dài khiến 2 con và chị bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, luôn trong trạng thái bất an. Con trai lớn rất sợ bố, con gái út lúc nhỏ quấn quít bố nhưng hiện tại con không còn mừng khi thấy bố nữa, có vẻ như hình ảnh người cha chửi bới, đánh mẹ đã dần hằn sâu vào trong kí ức của các em. Mỗi lần anh Q say rượu trở về nhà là nỗi ám ảnh lớn nhất của chị và con trai lớn, vì không biết được rằng chuyện kinh hoàng gì đang đợi 3 mẹ con …

Tháng 5/2022, chị T đã liên hệ đến tổng đài 1900969680 để tham vấn và tìm hiểu thông tin cũng như dịch vụ hỗ trợ của Ngôi nhà Bình yên. Ngày 22/7/2022, sau khi sắp xếp xong các công việc cá nhân, chị T đã cùng các con đến tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên.

Ở tại Ngôi nhà Bình yên, chị chia sẻ rằng bản thân và các con thực sự an tâm khi được thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình, có thể ngủ mà không lo sợ những lời chửi bới, những trận đòn bất chợt giữa đêm. Các con rất vui vẻ khi được ở nhà mới, có các bạn và các anh chị khác, con trai lớn từng hỏi mẹ “Lúc về sẽ như thế nào hả mẹ? Con sợ, muốn ở Ngôi nhà Bình yên”. Trong thời gian tạm lánh, chị T đã được nhân viên xã hội hướng dẫn viết đơn trình báo địa phương để giải quyết vấn đề bạo lực, kết nối với luật sư tư vấn về vấn đề ly hôn, kết nối với chính quyền địa phương, trường học nơi chị đang công tác để trao đổi về phương án hỗ trợ. Chị T chia sẻ về lúc ở tại Ngôi nhà Bình yên có lẽ là khoảng thời gian bình yên nhất của 3 mẹ con kể từ khi chị kết hôn đến giờ. Tại Ngôi nhà Bình yên, các con có cơ hội làm quen thêm nhiều bạn mới, được tổ chức sinh nhật, 3 mẹ con được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như làm bánh, đi thăm quan Lăng Bác. Càng ngày mối quan hệ của 3 mẹ con càng trở nên gắn kết hơn.

Dù cho ban đầu chị T gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với địa phương để giải quyết vấn đề bạo lực nhưng cùng với sự kiên trì, nỗ lực và được sự đồng hành của Ngôi nhà Bình yên, chị T đã mạnh mẽ đứng lên nói lên quan điểm của của mình, dám đối diện để đòi lại quyền lợi cho bản thân và các con. Nhà trường khi biết câu chuyện đã tạo điều kiện để chị T có thể yên tâm ở tại Ngôi nhà Bình yên giải quyết các vấn đề của bản thân.

Sau 3 tháng tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên, 3 mẹ con trở về địa phương trong một tâm thế hoàn toàn mới, những lo lắng, bất an trước đó đã qua đi mà thay vào đó là sự tự tin, niềm hy vọng vào 1 cuộc sống tốt đẹp hơn. Cái ôm chia tay của con trai lớn, cùng lá thư bé gửi tới các nhân viên Ngôi nhà Bình yên trước khi rời đi đã khiến mọi người thực sự cảm động…   

Tại Ngôi nhà Bình yên - những phụ nữ và những đứa trẻ bất hạnh không chỉ được hỗ trợ tại chỗ mà còn được các nhân viên ở đây làm việc với công an, chính quyền địa phương để có biện pháp răn đe, giáo dục người gây bạo hành và đề nghị địa phương hỗ trợ khi họ trở về.

Câu chuyện khác

Hai lần đến với Ngôi nhà Bình yên
21.11.2023

Hai lần đến với Ngôi nhà Bình yên

Bến bờ nào cho em?
09.10.2023

Bến bờ nào cho em?

Đứa trẻ không biết đau
16.06.2023

Đứa trẻ không biết đau