Đồng hành cùng sự phát triển của Phụ nữ

Tin tức

Tin tức

Liên hệ

MÔ HÌNH TRUNG TÂM LIÊN NGÀNH BẢO VỆ KHẨN CẤP CHO PHỤ NỮ BỊ BẠO LỰC GIỚI, TRẺ EM BỊ XÂM HẠI – “CHIẾN LƯỢC VÀNG” CHO VIỆC CUNG CẤP DỊCH VỤ TÍCH HỢP

20.04.2021
Admin
“Việc tiếp nhận thông tin và giải quyết ban đầu các vụ việc bạo lực cở cấp cơ sở chưa kịp thời, chưa thân thiện và chưa hiệu quả, chưa có biện pháp bảo vệ an toàn của nạn nhân, còn đổ lỗi, lộ bí mật của nạn nhân” – Theo Kết quả phát hiện từ cuộc Khảo sát nhu cầu dịch vụ xã hội khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực và trẻ em bị xâm hại do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thực hiện, được công bố hôm nay tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ thực hiện Dự án Thúc đẩy và Bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ, nhằm đánh giá nhu cầu, từng bước đề xuất thí điểm Mô hình trung tâm “Một cửa” liên ngành bảo vệ khẩn cấp Phụ nữ bị bạo lực giới và trẻ em bị xâm hại, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức Hội thảo “Công bố Kết quả khảo sát nhu cầu dịch vụ xã hội khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực và trẻ em bị xâm hại”. Bà Dương Thị Ngọc Linh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chủ trì hội thảo.
Gói dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực” – do Liên hợp quốc xây dựng trong Khuôn khổ Chương trình chung toàn cầu, có 6 hợp phần gối nhau, bao gồm: Phần tổng quan và Giới thiệụ; Các dịch vụ Y tế thiết yếu; Các dịch vụ Tư pháp và Hành pháp thiết yếu; Các dịch vụ Xã hội thiết yếu; Các hành động thiết yếu để điều phối và quản trị điều phối; Hướng dẫn thực hiện. Đặc điểm chung của các gói dịch vụ thiết yếu là sẵn có, dễ tiếp cận, có thể điều chính được, ưu tiên sự an toàn, cam kết tính bảo mật, kết nối với các khu vực và cơ quan khác thông qua việc điều phối.

Tham dự Hội thảo có Thượng tá Nguyễn Văn Tráng – Phó trưởng phòng 5 - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Bộ Công An, Ông Nguyễn Ngọc Anh – Đại diện UNICEF Việt Nam, Bà Lê Thị Lan Phương – Cán bộ UN Women Việt Nam, Bà Cao Thị Hồng Vân – Đại diện nhóm Nghiên cứu khảo sát, cùng đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư Pháp, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam, Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh; Đại diện các tổ chức quốc tế: Plan International, Hagar, Samaritan's Purse International Relief tại Việt Nam, World Vision, và các chuyên gia.

Bà Dương Thị Ngọc Linh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, với mô hình dịch vụ hỗ trợ toàn diện của Ngôi nhà Bình Yên (bao gồm 3 cơ sở: 1 tại Cần Thơ, 2 tại Hà Nội – trong đó 1 hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ, 1 hỗ trợ nạn nhân bị MBN), dịch vụ tham vấn và tổng đài hỗ trợ Phụ nữ 1900 96 96 80, Trung tâm nhận thấy, cần phải có giải pháp cụ thể và mạnh mẽ trước thực trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em với những diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Mô hình Một cửa liên ngành là một trong những giải pháp mang tính chiều sâu cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan nhằm đem lại sự hỗ trợ và bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại và bị mua bán trở về”.

Với vai trò chủ trì Hội thảo, Bà Ngọc Linh cũng hy vọng, Dự thảo Mô hình trung tâm một cửa do Nhóm Chuyên gia đề xuất sẽ nhận được những ý kiến phản biện sâu sắc và sẽ được hoàn thiện, đề xuất triển khai trong mối liên hệ đa ngành, tuân thủ các nguyên tắc chung: kịp thời – liên ngành – một điểm dừng – hiệu quả.

Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát tại địa bàn 4 tỉnh/ thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bến Tre, bà Cao Thị Hồng Vân, đại diện nhóm Chuyên gia nghiên cứu đã chia sẻ kết quả của cuộc khảo sát, trong đó tập trung vào 5 nhóm phát hiện chính: Khung chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan đến bảo vệ, hỗ trợ PNTE tương đối đầy đủ và đang tiệm cận với tiêu chuẩn pháp luật quốc tế, đảm bảo quyền con người (Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn); Thực trạng xử lý, giải quyết các vụ việc bạo lực phụ nữ, xâm hại trẻ em ở tại các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của nạn nhân; Một số mô hình hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới chưa đáp ứng được yêu cầu kịp thời - liên ngành - một điểm dừng - hiệu quả; Thiếu các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp liên ngành nhằm đảm bảo tính kịp thời và hữu hiệu trong giải quyết vụ việc; Cần có mô hình đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời - liên ngành - một điểm dừng - hiệu quả trong giải quyết vụ việc và bảo vệ nạn nhân của bạo lực giới.

Tại hội thảo, bà Shelley Casey, Chuyên gia Pháp lý cho trẻ em của UNICEF đã chia sẻ những mô hình thực hành tốt trên thế giới trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em thông qua Mô hình tích hợp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, bà Casey cũng nhấn mạnh vai trò của Trung tâm dịch vụ một cửa chuyên biệt cho trẻ em, bởi nhu cầu của trẻ em bị bạo lực rất đa chiều, một ngành không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó, cho nên cách xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả là điều hết sức cần thiết

Đồng quan điểm với khuyến nghị của chuyên gia UNICEF, Bà Minh Thúy – Chuyên gia độc lập cũng cho rằng cần có mô hình một cửa chuyên biệt dành cho trẻ em, do cơ chế cũng như đặc thù đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, bà Minh Thúy cũng mong muốn nhóm nghiên cứu làm rõ vai trò của TW Hội LHPN Việt Nam trong việc điều phối mô hình và các cơ quan liên ngành.

Với kinh nghiệm thực tế trọng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tại Ngôi nhà Ánh Dương (thuộc Trung tâm Công tác Xã hội Quảng Ninh), bà Đỗ Thị Lệ, Trưởng phòng Truyền thông – Đào tạo, chia sẽ những khó khăn, bất cập trong việc hỗ trợ nạn nhân: kỹ năng làm việc với nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới của các cán bộ đầu mối tại cơ sở chưa đảm bảo, cơ chế phối hợp cần mở rộng các bên kiểm soát, tòa án, thi hành án để đảm bảo tính liên tục, toàn diện; Ngoài ra, bà Lệ cũng đề xuất Nhóm chuyên gia xem xét việc hỗ trợ nhóm đối tượng trẻ em bị bạo lực bên cạnh nhóm Phụ nữ bị bạo lực giới và trẻ em bị xâm hại đã được đề cập trong đề án.

Thượng tá Nguyễn Văn Tráng – Phó trưởng phòng 5 – Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Bộ Công An

Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tá Nguyễn Văn Tráng – Phó trưởng phòng 5 - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Bộ Công An nhất trí với đề xuất của Nhóm chuyên gia cho rằng việc thành lập Trung tâm Một cửa là cần thiết và hợp lý, đề xuất trong giai đoạn đầu Mô hình nên được tập trung triển khai thí điểm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ.

Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ UNWOMEN Việt Nam đề xuất bổ sung các quy định hành nghề, quy tắc về cơ chế phối hợp, quy định tiêu chuẩn của các dịch vụ hỗ trợ nhằm xây dựng một mô hình toàn diện nhất để cung cấp dịch vụ tích hợp

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Đại diện UNICEF Việt Nam đánh giá cao những phát hiện của nhóm Chuyên gia được nêu ra trong báo cáo. Ông Ngọc Anh cũng khuyến nghị việc xây dựng quy trình hỗ trợ cho nhóm Phụ nữ và trẻ em cần được xem xét kỹ lưỡng, có cơ chế hỗ trợ chuyên biệt cho từng đối tượng; Đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành cần xuất phát từ chính nhu cầu hỗ trợ và tính chủ động của các cơ quan liên ngành; Đối với quy trình xử lý ngành dọc cần nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.

Tổng kết Hội thảo, Bà Dương Thị Ngọc Linh trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp, phản biện hết sức tâm huyết của các đại biểu tham dự đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham vấn rộng rãi ý kiến của đông đảo các nhà chuyên môn, chuyên gia, các đối tượng có liên quan, để bảo đảm rằng dự thảo Đề án Mô hình Mộ cửa phản ảnh đúng thực tiễn và giải quyết được những vướng mắc trong quá trình cung cấp dịch vụ xã hội khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực và trẻ em bị xâm hại. Để tăng sức thuyết phục của Đề án, Bà Ngọc Linh đề nghị nhóm chuyên gia tiếp tục triển khai nghiên cứu, đề xuất mô hình đảm bảo không chồng chéo với các mô hình đã có, dựa trên hai khía cạnh: Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam và xác định rõ đâu là thế mạnh của Hội để từ đó đề xuất, tham mưu mô hình hỗ trợ cho đối tượng phù hợp.

Tin tức liên quan

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển khẳng định vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ -
21.10.2024

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển khẳng định vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ -

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển khẳng định vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ -
Phụ nữ làm chủ cuộc đời – She Leads Her Life
17.10.2024

Phụ nữ làm chủ cuộc đời – She Leads Her Life

Sự kiện “Phụ nữ làm chủ cuộc đời” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội, đồng thời khuyến khích và tạo cơ hội cho nữ sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước – gặp gỡ, giao lưu với những phụ nữ thành đạt, vượt qua định kiến để khẳng định bản thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí trao quà cho Ngôi nhà Bình yên nhân dịp 20/10
16.10.2024

Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí trao quà cho Ngôi nhà Bình yên nhân dịp 20/10

Chiều 16/10/2024, Ban Nữ công Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã đến thăm và trao tặng những món quà ý nghĩa cho Trung tâm trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên.