Sự phù hợp của các quy định trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - ghi nhận từ hoạt động hỗ trợ nạn nhân của Ngôi nhà Bình yên
Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/8/2022
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2007 và có hiệu lực năm 2008. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ Trung ương tới cơ sở nên đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhận thức của người dân và toàn xã hội đã được nâng lên, một phần nào đó làm chuyển biến nhận thức của người dân về bạo lực gia đình, không còn được coi là việc riêng của mỗi gia đình, hành vi bạo lực gia đình được nhận diện và từng bước giải quyết theo quy định của pháp luật.
Năm 2019, kết quả điều tra quốc gia về bạo lực gia đình cũng cho thấy gần 63% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế. Con số thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được, việc thi hành và áp dụng Luật phòng chống bạo lực gia đình vào đời sống còn nhiều tồn tại.
Các đại biểu tham gia các sự kiện truyền thông về phòng chống bạo lực giới tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
Mô hình Nhà tạm lánh hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình mang tên Ngôi nhà Bình Yên (NNBY) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức được ra đời dưới sự quản lý của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) năm 2007. Ngôi nhà bình yên (NBY) được triển khai trong bối cảnh tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) và nạn mua bán người ở Việt Nam được nhận thức là nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ; khi đó Việt Nam cũng chưa có luật phòng, chống mua bán người (MBN) và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ); chưa có cơ sở hỗ trợ nạn nhân; xã hội chưa thực sự chấp nhận mô hình nhà tạm lánh. Để thực hiện hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình hiệu quả, CWD vận hành 03 nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên, 01 phòng Tham vấn 01 Tổng đài với đầu số 1900 96 96 80 hoạt động 24/7 nhằm tiếp nhận thông tin, giải cứu khẩn cấp các ca bạo lực gia đình, cung cấp dịch vụ tham vấn về các vấn đề bạo lưc, hôn nhân gia đình, xâm hại, mua bán trở về và hỗ trợ các vấn đề tâm lý, pháp lý cơ bản. Trong suốt 15 năm hoạt NBY đã tham vấn cho 25.917 lượt tham vấn, 19.786 người, 16.357 ca, tiếp nhận tạm lánh 1.586 trường hợp trong đó có 1154 nạn nhân bạo lực gia đình đến từ 56/63 tỉnh. Quá trình làm việc, NBY luôn tăng cường sự phối hợp liên ngành với các cơ quan chức năng và bám sát theo các điều khoản được quy định trong Luật Phòng, chống BLGĐ (2007) nhằm hỗ trợ nạn nhân hiệu quả nhất.
Các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại Ngôi nhà Bình yên – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
Từ thực tế hoạt động của NBY, CWD nhận thấy một số điểm phù hợp, thuận lợi trong các quy định trong Dự thảo luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi) đối với thực tiễn hỗ trợ nạn nhân như sau:
- Về giải thích từ ngữ/các khái niệm: So với Luật Phòng chống BLGĐ 2007, bản dự thảo Luật sửa đổi đã có bổ sung điều luật riêng giải thích từ ngữ (Điều 2) để ghi nhận nội hàm của một số khái niệm cơ bản như Bạo lực gia đình, Người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, Cấm tiếp xúc, Phát tán thông tin về đời tư của người bị bạo lực gia đình và đã không còn bỏ sót vấn đề bạo lực trong các nhóm chủ thể có quan hệ bạn tình/sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn hoặc giữa các cặp đôi/gia đình đã ly hôn/tiêu hôn nhưng vẫn chung sống (khoản 2 Điều 3).
- Điều 3 của dự thảo luật sửa đổi quy định về các hành vi được xem là hành vi bạo lực gia đình, so với quy định của luật PCBLGĐ hiện hành thì dự thảo luận đã có sự đầu tư bổ sung, sắp xếp lại nội dung điều luật theo hướng nêu rõ và cụ thể hơn về các hành vi bạo lực gia đình; điều này ít nhiều góp phần tạo thuận lợi trong công tác biện hộ, bảo vệ nạn nhân BLGĐ. Vì trong thực tế, các hình thức bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, khó nhận diện, đặc biệt là đối với những dạng “không nhìn thấy” như bạo lực tinh thần, tình dục và kinh tế. Chúng tôi nhận thấy nhiều cán bộ địa phương khi thực hiện nhiệm vụ giải quyết vấn đề bạo lực gia đình không nhận thức đúng đắn về các hành vi. Ví dụ trường hợp tại xã Ngọc Tảo, Phúc Thọ, Hà Nội, tại buổi giải quyết bạo lực gia đình có sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và đại diện Ngôi nhà Bình yên, chủ tịch UBND xã và Chủ tịch HPN xã khẳng định người gây bạo lưc (NGBL) mới chỉ đập phá đồ đạc, đe dọa giết chứ chưa có hành vi đánh đập nghiêm trọng. Trong khi đó, tình trạng bạo lực nghiêm trọng này đã kéo dài hơn 20 năm, NGBL thường xuyên đập phá tất cả đồ đạc trong gia đình, chửi bới, cầm dao, kéo đe dọa giết vợ và các con. Bên cạnh đó, rất nhiều cán bộ địa phương khẳng định “phải đánh đập gây thương tích nghiêm trọng và kéo dài trong nhiều năm thì mới được coi là bạo lực gia đình”, do đó chưa có cơ chế bảo vệ nạn nhân, thậm chí còn đổ lỗi và không giải quyết theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
- Điều 4 của Dự thảo luật bổ sung quy định về việc thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống BLGĐ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là một hoạt động cần thiết, đúng đắn để động viên, khuyến khích cá nhân, tổ chức có nỗ lực trong việc hỗ trợ phòng chống BLGĐ, giúp lan tỏa những tấm gương tốt đến cộng đồng cũng như tạo động lực để các cá nhân, tổ chức nỗ lực đấu tranh cho công tác phòng, chống BLGĐ, không còn e ngại việc thừa nhận địa phương tồn tại sự vụ BLGĐ làm “giảm thành tích” hay “mất điểm thi đua” của địa phương.
- Về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, ban ngành, đoàn thể của cả chính phủ trong công tác phòng chống bạo lực gia đình: khoản 5,6,7 Điều 4; điều 6,7,8,9,10,11,12 và các điều luật khác (đặc biệt là các điều luật ở Chương V) trong Dự thảo luật đều cho thấy rõ tinh thần phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong xã hội. Đây là quan điểm rất đúng đắn và quan trọng đã được nêu rõ rang trong Dự thảo luật sửa đổi. Điều này giúp hạn chế xảy ra các trường hợp đổ lỗi, vô trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với vấn đề bạo lực gia đình.
Trong thực tế, nhiều chị em phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình khi tìm đến Ngôi nhà Bình yên với mong muốn được hỗ trợ nhưng không có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của bản thân trong việc khai báo và phối hợp để giải quyết bạo lực gia đình mà chỉ đến NBY để nhận các dịch vụ hỗ trợ khác rồi ra về, được một thời gian sau thì lại tìm đến nhận hỗ trợ những vẫn kiên quyết không giải quyết bạo lực. Hay như một số trường hợp nạn nhân có mong muốn được gia đình hoặc phía địa phương hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, NBY kết nối với chủ thể để đề nghị hợp tác, phối hợp giải quyết BL thì lại nhận được phản hồi rằng “tôi không có trách nhiệm hỗ trợ”, “con gái lấy chồng phải theo nhà chồng”, “chuyện riêng của hai vợ chồng, gia đình không tham gia” khiến cho sự việc không được giải quyết triệt để, nạn nhân có cảm giác bị bỏ rơi, không được hỗ trợ. Với những trường hợp này, NBY đều sử dụng đến quy định của luật phòng chống bạo lực gia đình để cung cấp kiến thức, giúp thân chủ hiểu được rằng bản thân nạn nhân không chỉ là người có quyền, cần được bảo vệ mà thân chủ cũng như các chủ thể khác trong xã hội - đều phải có trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực gia đình.
- Điều 19 dự thảo luật sửa đổi quy định về Báo tin, tố giác về bạo lực gia đình đã có sự mở rộng về chủ thể có thẩm quyền nhận tin báo, tố giác bạo lực gia đình và quy định cụ thể, ghi nhận sự đa dạng về hình thức báo tin. Sự thay đổi này thể hiện được tinh thần linh động, mềm dẻo trong quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân trong việc khai báo và nhận được sự bảo vệ của pháp luật. Thực tế hỗ trợ của NBY: Người tạm trú (NTT) của NNBY sẽ thuận tiện hơn trong việc báo tin bạo lực vì NNBY luôn hướng dẫn để NTT viết đơn Đề nghị và gửi kèm với Công văn của Trung tâm về địa phương, hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn cho nạn nhân trong quá trình báo tin. Nhưng với những ca hỗ trợ ngoài cộng đồng, nạn nhân phải trực tiếp đến cơ quan chức năng để khai báo hoặc phải làm đơn mang đến bưu điện để gửi đến cơ quan chức năng, điều này trong nhiều trường hợp là rất khó khăn, chứa đựng nhiều rủi ro cho nạn nhân nếu bị NGBL phát hiện. Do đó, việc luật quy định thêm nhiều chủ thể có thẩm quyền nhận tin báo, đa dạng hóa cách thức báo tin và cho phép báo tin bằng cách gọi điện hoặc tin nhắn là sự thay đổi phù hợp, thể hiện tinh thần thích nghi với đặc thù hoàn cảnh của nạn nhân bạo lực gia đình.
- Về sự đa dạng các hình thức xử phạt/chế tài: dự thảo luật sửa đổi đã cho thấy sự tiến bộ khi quy định thêm một số hình thức chế tài đối với hành vi bạo lực gia đình là Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư (Điều 32) và Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng (Điều 33). Những quy định này hứa hẹn là hình thức xử lý mang lại hiệu quả tích cực cho công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. Vì thực tế cho thấy, việc xử phạt hành chính đối với hành vi bạo lực gia đình của NGBL còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp xử phạt không chỉ không đạt được hiệu quả răn đe đối với NGBL mà còn vô tình khiến nạn nhân trở thành người gián tiếp phải cùng chịu sự trừng phạt khi NGBL “mang tiền nhà” của nạn nhân đi nộp phạt cho người gây bạo lực.
- Điều 12 dự thảo luật sửa đổi quy định về Quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng chống bạo lực gia đình và Điều 34 ghi nhận Bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình. Những quy định này là tiền đề quan trọng cho sự khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng; hạn chế trường hợp cá nhân tránh né hỗ trợ. Trong thực tế, nhiều trường hợp NTT của NBY đã bị NGBL đánh ở nơi công cộng nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ người qua đường, nếu có thì họ cũng chỉ nhìn hoặc nói mấy câu chứ không dám can ngăn hay có bất kỳ cách thức xử lý nào khác do lo sợ bị vạ lây. Hay như một số trường hợp khi các Quản lý ca liên hệ với bạn bè, hàng xóm thân thiết của NTT để kết nối nguồn lực, phối hợp hỗ trợ thì chủ thể thường rất e dè trong việc hợp tác vì lo sợ bị NGBL biết được sẽ trả thù.
- Cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình đã được dự thảo Luật đưa vào Mục 4 (các điều 36, 37, 38, 39, 40, 41), trong đó xác định rõ loại hình (từ địa chỉ tin cậy, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, ….), điều kiện và thủ tục để các cơ sở trợ giúp tham gia công tác phòng chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh những điểm phù hợp trên, CWD xin có một số đề xuất bổ sung sau:
- Cần đồng nhất và mở rộng các khái niệm và thuật ngữ “gia đình”, “thành viên gia đình” trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 với Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi để đảm bảo tình trạng thực tế. Bởi lẽ trong thực tế, có nhiều trường hợp nạn nhân không chỉ bị bạo lực bởi chồng, bố mẹ chồng mà họ còn bị bạo lực bởi anh/chị/em chồng. Do đó, ngoài chồng và bố mẹ chồng (là thành viên gia đình được ghi nhận tại khoản 16 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) thì anh/chị/em chồng cũng là những người có sự gắn bó và có thể mang đến nhiều tác động; nhất là với các trường hợp người vợ cùng sinh sống chung nhà với bố mẹ và các anh/chị/em chồng. Trong trường hợp này, nếu chưa xem hành vi bạo lực của anh/chị/em chồng đối với vợ không phải là hành vi bạo lực gia đình thì có lẽ vẫn chưa hợp lý, vì rõ ràng xét về nguyên nhân, mức độ tác động, hậu quả của các hành vi bạo lực của anh/chị/em chồng đối với người phụ nữ nói riêng hay với cuộc hôn nhân nói chung là rất tương đồng so với hậu quả bạo lực gia đình do chồng hay bố mẹ chồng gây ra.
- Chỉnh sửa cách thức định nghĩa về Các hành vi bạo lực gia đình: Điều 3 dự thảo luật sửa đổi vẫn đang duy trì sử dụng phương pháp liệt kê để định nghĩa về hành vi bạo lực gia đình. Trên thực tế hành vi bạo lực gia đình rất đa dạng và tinh vi (ví dụ: hình thức bạo lực phi hành vi như ánh nhìn, sự thao túng về kinh tế, sự áp đặt ý chí một cách vô hình bằng cách tước bỏ thời gian tự do của nhau, tước bỏ cơ hội phát triển của nhau, v.v…), do vậy việc liệt kê đầy đủ sẽ là không đưa ra hết được các hành vi. Chúng tôi nhân thấy Quy định tại Khoản 1 Điều 2 dự thảo luật sửa đổi đã nêu 04 hình thức của bạo lực gia đình là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Do vậy đề xuất cân nhắc xem xét thay đổi định nghĩa về hành vi bạo lực gia đình theo hướng gắn liền với phân loại hình thức bạo lực để không chỉ góp giảm thiểu nguy cơ liệt kê vừa thiếu sót vừa chồng chéo mà còn góp phần giúp cho các chủ thể khi tiếp cận với điều luật sẽ cảm thấy dễ hiểu, dễ nhớ hơn, tăng khả năng tuyên truyền và giáo dục kiến thức về bạo lực gia đình và phòng chống BLGĐ trong cộng đồng.
- Cần bổ sung quy định rõ ràng về những yêu cầu tối thiểu đối với người phụ trách công tác hòa giải: không có quan hệ gia đình, thân quen với đương sự, có kiến thức, trình độ chuyên môn giới/bạo lực gia đình/ phòng, chống bạo lực gia đình và có kỹ năng hòa giải để tránh trường hợp người thiếu hiểu biết, có tư tưởng định kiến, có thái độ không phù hợp lại được phân công thực hiện công tác hòa giải làm ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân.
Trong thực tế hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, NBY đã gặp phải rất nhiều trường hợp cán bộ địa phương thiếu nhận thức đúng đắn về bạo lực gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, bên cạnh đó đối với các địa phương ở nông thôn hoặc vùng núi thì không ít trường hợp nạn nhân gặp phải tình huống cán bộ phụ trách giải quyết là họ hàng, người thân quen của NGBL hay gia đình NGBL dẫn đến nhiều khó khăn cho quá trình giải quyết vụ việc. Ví dụ như trường hợp của ca 1098T, HPN huyện cử người thân quen của đương sự tham gia quá trình giải quyết vụ việc, cán bộ được phân công xác minh sự việc nhiều lần nhắn tin, gọi điện khuyên nhủ NTT quay về, thậm chí còn chụp cả Công văn của CWD gửi lại cho NTT để nói rằng các hành vi bạo lực mà NTT đã nói là không có bằng chứng nên gia đình NGBL dự định sẽ kiện NTT và sẽ giành quyền nuôi con khiến NTT bị tác động tâm lý nặng nề và hoang mang tột độ. Đến khi NBY có sự phản hồi về cách làm việc thì lãnh đạo địa phương mới có điều chỉnh.
Về các hoạt động thu hút cộng đồng: Các chính sách về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa rõ và chưa thu hút được sự tham gia của tổ chức, cá nhân. Các hoạt động thu hút gây quỹ nhằm hỗ trợ khẩn cấp các trường hợp bị bạo lực gia đình là hết sức cần thiết, song hiện nay dự thảo Luật chưa có quy định này.
Luật Phòng chống Bạo lực gia đình năm 2007 được Quốc hội ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007, số 02/2007/QH12 của Quốc hội. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Chi tiết tham khảo tại: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=51256
Dự thảo Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều với 24 điều mới và 38 điều bổ sung. Hiện nay, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp đang diễn ra và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 10/2022. Chi tiết tham khảo tại: https://bvhttdl.mediacdn.vn/document/2021/10/4/dt%20lu%E1%BA%ADt-1633331734887.pdf
Bà Dương Thị Ngọc Linh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam,
Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển
[*] https://baobinhduong.vn/viet-nam-la-quoc-gia-xoa-bo-khoang-cach-ve-gioi-nhanh-nhat-a21254.html