Chiếc máy may công nghiệp mang lại hi vọng cho người phụ nữ khuyết tật
- Nghe câu chuyện trực tiếp tại đây -
Hàng ngày, chị Rỡ nhận việc may gia công còn chồng chị đi bán vé số. Tuy đôi chân bị di chứng của bại liệt, chị Rỡ vẫn nỗ lực để học may và rèn luyện kỹ năng sử dụng máy may sau nhiều năm. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào chiếc máy may của chị và tiền bán vé số của anh. Tuy nhiên, máy may của chị theo thời gian đã hỏng nhiều, cộng với đôi chân yếu khiến chị Rỡ rất vất vả mà năng suất lại không cao. Máy may của chị cũng không may được một số loại vải như vải thun nên đơn hàng của chị cũng bị giới hạn nhiều. Chị Rỡ buồn lắm. Trong lòng chị chỉ mong có được chiếc máy may công nghiệp để nâng cao năng suất, kiếm nhiều thu nhập hơn cho gia đình.
May mắn thay, chị Rỡ được dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 lần thứ tư tại Tiền Giang” của UN Women tài trợ. Thông qua Hội Phụ nữ xã Bình Nhì, chị được nhận hỗ trợ hỗ trợ số vốn không hoàn lại là 5.500.000đ từ tháng 11 năm 2023.
Khi nhận nguồn vốn trong tay, chị Rỡ xúc động và bàn với chồng dùng số tiền này để mua một chiếc máy may công nghiệp. Với máy may mới, chị có thể may nhanh hơn, kim may được nhiều loại vải khác nhau và năng suất tăng lên đáng kể. Chị vui mừng chia sẻ: “Dự án UN Women đã trao cần câu cho người phụ nữ khuyết tật như tôi, là một niềm vui rất lớn đối với cả gia đình tôi. Tôi sẽ phấn đấu cải thiện cuộc sống, bước đi vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình”.
Nhờ vào sự hỗ trợ của UN Women, chị Rỡ không chỉ cải thiện cuộc sống của gia đình mình mà còn đóng góp cho cộng đồng. Chị tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho phong trào của địa phương, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân.
Chị Rỡ là một tấm gương điển hình sống động về sự kiên nhẫn và khả năng vượt qua khó khăn của phụ nữ. Câu chuyện của chị ấy chứng minh rằng khi có cơ hội và sự hỗ trợ thì phụ nữ có thể thay đổi cuộc sống của mình và cả cộng đồng xung quanh.