XÂY DỰNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐỂ TRUNG TÂM TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN TIN CẬY CỦA PHỤ NỮ
Bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam – Chủ trì Tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam – Chủ trì Tọa đàm, Bà Dương Thị Ngọc Linh – UV ĐCT, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Ông Trần Thanh Bình – Trưởng nhóm chuyên gia; Ông Vũ Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức; Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chánh văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Đại diện Lãnh đạo các Ban/ Đơn vị CQ TW Hội LHPN Việt Nam; đại biểu các bộ Bộ, ban, ngành; các chuyên gia...
Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển có chức năng phục vụ các hoạt động chính trị - xã hội trong nước và quốc tế theo yêu cầu, chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội nhằm hỗ trợ sự phát triển toàn diện về năng lực, trình độ mọi mặt, kỹ năng nghề nghiệp, thể lực và thẩm mỹ của phụ nữ Việt Nam; cung cấp các dịch vụ lưu trú, hội nghị, hội thảo, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe... để hỗ trợ các hoạt động chính trị - xã hội và đảm bảo bộ máy hoạt động, duy trì, đầu tư cơ sở vật chất và các chi phí khác của Trung tâm.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng được Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam tin tưởng, giao quản lý một số trung tâm vùng như: Nhà nghỉ điều dưỡng Đồ Sơn, từ tháng 6/2006; Trung tâm Cần Thơ, từ tháng 6/2017; Trung tâm dạy nghề Đắc Nông, từ tháng 5/2019; dự kiến thời gian tới giao Trung tâm Quảng Bình. Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm đang đối mặt với thực tế: chức năng, nhiệm vụ của một số bộ phận còn chồng chéo; đội ngũ cán bộ nhân viên còn mỏng về số lượng, năng lực còn bất cập so với yêu cầu công việc; các trung tâm trực thuộc khi được tiếp nhận trong tình trạng thiếu bộ máy quản lý, chưa tự chủ về tài chính, cơ sở vật chất chưa đồng bộ đã xuống cấp; lúng túng, bế tắc về nguồn lực và cơ chế quản lý các trung tâm vùng; bên cạnh đó, theo xu thế hội nhập, các đơn vị hoạt động cùng lĩnh vực dịch vụ theo nhu cầu xã hội đã và đang có những thay đổi nhằm nâng cao vị thế, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và xây dựng đề án tổng thể về tổ chức bộ máy và hoạt động của Trung tâm, trong đó có đề xuất rõ mô hình của Trung tâm, xác định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các trung tâm vùng là vô cùng cấp thiết.
Để tọa đàm đạt mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận rõ một số quan điểm, định hướng xây dựng mô hình hoạt động của Trung tâm; Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng mô hình phù hợp đối với từng loại hình, lĩnh vực hoạt động của Trung tâm; Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý tài sản, tài chính, tiền lương và thu nhập của người lao động, lộ trình thực hiện...
Ông Trần Thanh Bình – Nguyễn Cán bộ Ban Tổ chức TW, Đại diện nhóm Chuyên gia nghiên cứu xây dựng đề án
Ông Trần Thanh Bình –Đại diện nhóm Chuyên gia nghiên cứu xây dựng đề án đã trình bày tóm tắt Dự thảo đề án, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện cả về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý điều hành, chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế tài chính phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và Điều lệ hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức
Ông Vũ Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức, đề xuất 06 nhóm giải pháp nhằm tận dụng được các cơ hội và khắc phục, vượt qua được những thách thức, mâu thuẫn đang đặt ra cho Trung tâm gồm: Kết hợp và phát huy sự “cộng hưởng”, liên kết lẫn nhau giữa “nhiệm vụ chính trị” và “nhiệm vụ “dịch vụ” của Trung tâm; Phát huy lợi thế mạng lưới cộng đồng Phụ nữ đông đảo trong xã hội thông qua khai thác công nghệ số và không gian mạng; Đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; Phát huy tối đa mức độ “được tự chủ”, cũng như phân cấp, phân quyền; Quản trị tốt chất lượng dịch vụ; Phát triển năng lực đội ngũ và xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chánh văn phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Làm rõ hơn về thực trạng chuyển đổi mô hình hoạt động và đề xuất giải pháp phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của các đoàn thể chính trị, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chánh văn phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng “Một đơn vị muốn tự chủ được phải tự chủ về con người theo vị trí việc làm, đơn vị chủ quản là Hội LHPN Việt Nam có vai trò định hướng nguồn nhân lực quản lý”. Về cơ chế tự chủ của đơn vị, ông Hà đề xuất hai phương án, đơn vị tự chủ 100% hoặc khoán tùy theo năng lực thực tế của đơn vị.
PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam
PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, đối với một đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động như Trung tâm thì nên tập trung vào xây dựng chiến lược phát triển trung tâm (trong đó sẽ bao gồm Tổ chức bộ máy, kế hoạch tài chính,... ). Về nội dung Dự thảo Đề án, PGS.TS Trần Quang Tiến nhận định rằng, việc quay lại phương án mô hình tự chủ một phần không còn phù hợp trong cơ chế thị trường hiện nay, đặc biệt là khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đề ra. Ông Tiến cũng đề xuất nhóm chuyên gia nghiên cứu gắn 4 mục tiêu chương trình về mặt chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm gồm: Nhiệm vụ chính trị - xã hội, tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, thể lực – thẩm mỹ, Dịch vụ Ngôi nhà Bình yên và cung cấp các dịch vụ tận thu khác. Đối với Trụ sở chính và các Trung tâm vùng (đơn vị con) có thể tiến hành theo cơ chế quản trị và đầu tư, giao kinh phí hoạt động cho các đơn vị con.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng cho rằng, đề án hay chiến lược hoạt động của Trung tâm cần bám sát chỉ đạo của Đảng đoàn và Thường trực Đoàn Chủ tịch, căn cứ vào các văn bản pháp luật của Chính phủ làm cơ sở xác đáng cho việc xây dựng Đề án.
Kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa trân trọng cám ơn và ghi nhận các ý kiến rất tâm huyết của các đại biểu tại Tọa đàm, đã làm rõ được nhiều vấn đề mà Tọa đàm đề ra. Các ý kiến đóng góp quý báu của quý vị đại biểu sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Nhóm Chuyên gia nghiên cứu đề xuất tham mưu các phương án cho Trung tâm nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị, đảm bảo bám sát yêu cầu thực tế hiện nay và theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, của Thường trực Đoàn Chủ tịch đã đề ra.