Kết nối và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới từ mô hình Ngôi nhà Bình yên
NBY hoạt động với mục đích hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý, góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp trong phòng, chống BLGĐ và mua bán người. Sau 14 năm hoạt động, NBY đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.444 người đến từ 55 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số[1].
Đến với NBY thường là các trường hợp bị bạo lực nặng nề, lâu dài, bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng nên 100% nạn nhân đều được hỗ trợ tham vấn tâm lý xã hội (trung bình 16 lượt/người); tiếp đến là dịch vụ hỗ trợ pháp lý (trung bình 7 lượt/người) nhằm đảm bảo các quyền lợi về nuôi con, phân chia tài sản…; nâng cao quyền năng thông qua việc cung cấp kỹ năng sống và kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp thường xuyên (trung bình 4 lần/người); hơn 90 % trẻ em được hỗ trợ theo học kịp thời, không bị gián đoạn việc học (trừ trường hợp trẻ bị mất an toàn khi đến trường); 70% phụ nữ chưa có nghề đã được học nghề và có việc làm phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của bản thân.
Để có thể cung cấp dịch vụ toàn diện cho nạn nhân trong bối cảnh nghề công tác xã hội tại Việt Nam chưa phát triển, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân chưa sẵn sàng, cũng như nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế, CWD đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai, cụ thể:
- Đã phối hợp đa ngành với chính quyền, đoàn thể địa phương và các ban ngành để giải quyết vụ việc gia đình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. 100% các trường hợp tạm lánh tại NBY, Trung tâm đã gửi văn bản và làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, công an, Hội LHPN các cấp, tổ trưởng tổ dân phố… để đảm bảo an toàn của phụ nữ, trẻ em và có các biện pháp xử lý răn đe người gây bạo lực. Việc phối hợp chặt chẽ này cũng giúp phát huy sự phối hợp và tính cam kết của các ban ngành, đoàn thể địa phương trong quá trình giải quyết các vụ việc BLGĐ. Đặc biệt, NBY phối hợp chặt chẽ với công an 113, chính quyền địa phương trong quá trình ứng phó, hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp khẩn cấp (nạn nhân bị đe dọa tính mạng, bị giam cầm….). Đây là điểm rất khác biệt của NBY so với các cơ sở hỗ trợ khác nhằm đảm bảo quá trình trở về địa phương của nạn nhân an toàn, bền vững.
- Đã xây dựng mạng lưới với các đơn vị cung cấp dịch vụ như: để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thân chủ, Trung tâm đã xây dựng mạng lưới với các đơn vị trợ giúp pháp lý có chất lượng, uy tín[2]; phối hợp với các bệnh viện cấp TW và chuyên khoa để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em[3]; kết nối với trường học, trung tâm, dạy nghề giới thiệu việc làm nhằm cung cấp dịch vụ học văn hóa, dạy nghề cho nạn nhân, đảm bảo quá trình học tập liên tục, tư vấn học nghề, kết nối hỗ trợ việc làm, đảm bảo quá trình hồi gia bền vững; phối hợp chặt chẽ với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để chuyển gửi, trị liệu tâm lý, đảm bảo an toàn và tìm nguồn lực hỗ trợ cho trẻ tại địa phương…
- Ban đầu, mô hình gồm 02 hợp phần là NBY và phòng Tham vấn[4], sử dụng 03 đầu số điện thoại di động để kết nối với thân chủ. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trung tâm đã mạnh dạn chuyển đổi và đang từng bước vận hành Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680 (thay thế các số di động) nhằm đảm bảo tại một thời điểm tiếp nhận nhiều cuộc gọi, sẵn sàng hỗ trợ 24/7. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Tổng đài không chỉ tiếp nhận các cuộc gọi về vấn đề bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ mà còn hỗ trợ tư vấn phụ nữ giải tỏa căng thẳng, biết cách phòng chống dịch và hiểu hơn về các chính sách của Chính phủ trong ứng phó với đại dịch.
- Cùng với Tổng đài, Trung tâm còn xây dựng phần mềm quản lý ca nhằm thu thập thông tin, số liệu các trường hợp tiếp cận dịch vụ, từ đó cung cấp số liệu phục vụ công tác đánh giá tình hình và tham mưu chính sách về phụ nữ và trẻ em.
Với những kết quả hỗ trợ nạn nhân trong hơn 14 năm qua, NBY là căn cứ thực tiễn minh chứng cho công tác bảo vệ nhân quyền của Việt Nam. Trung tâm đã tiếp nhiều đoàn khách quốc tế của TW Hội và Chính phủ, giới báo chí và truyền thông thường xuyên tiếp cận NBY để lấy thông tin về những trường hợp điển hình phục vụ cho hoạt động truyền thông thay đổi hành vi. Bên cạnh đó, NBY đã trở thành địa chỉ uy tín phục vụ công tác nghiên cứu, thực hành nghề công tác xã hội.
So với các mô hình hiện có, dịch vụ của NBY tiếp cận theo hướng tổng thể, xuất phát từ nhu cầu thực tế của NTT để giúp họ có đủ sức mạnh về cả thể chất, tinh thần và kỹ năng trong việc chấm dứt bạo lực, cũng như xây dựng cuộc sống mới một cách độc lập, tự tin. 90% người hồi gia cho biết họ hài lòng với dịch vụ của NBY.
“Việc biết đến Ngôi nhà Bình yên đối với tôi như tìm được ánh sáng cuối đường hầm. Giúp tôi tìm lại được chính mình, tìm lại giá trị của mình, mở ra cho tôi cuộc sống mới, một cuộc sống mà tôi sẽ sống cho chính bản thân mình và cho những người mình yêu thương, một cuộc sống mà tôi sẽ lại được là chính tôi…”,
(Chia sẻ của ca số 1017K/3/21, ngày 25/9/2021)
Để công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới nói chung và hoạt động NBY được hiệu quả hơn, Trung tâm xin có một số khuyến nghị sau:
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ nạn nhân đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới và thân thiện; có chính sách hỗ trợ phù hợp với đối tượng nạn nhân đáp ứng yếu tố khẩn cấp và bền vững; bổ sung các quy định cụ thể về công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ cho các cá nhân báo tin, ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân hoặc cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân…
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân về thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; để cộng đồng lên tiếng đảm bảo sự an toàn của phụ nữ, trẻ em.
- Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội PN các cấp trong xử lý, ứng phó với các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ ngay tại cộng đồng.
- Quan tâm hỗ trợ nguồn lực để duy trì và mở rộng mô hình NBY tại các khu vực trong cả nước và đặc biệt nâng cấp thành tổng đài Quốc gia hỗ trợ phụ nữ.
[1] Số liệu đến cuối tháng 12/2021
[2] Trung tâm đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm tư vấn pháp luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam và xây dựng mạng lưới với các đơn vị trợ giúp pháp lý có chất lượng, uy tín (Cục trợ giúp pháp lý, Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo, văn phòng luật sư và Trung tâm trợ giúp pháp lý).
[3] Ký thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Nhi TW, phối hợp với Bệnh viện 354, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện Saint Paul…
[4] Phòng Tham vấn cung cấp dịch vụ tham vấn về các vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ, quyền trẻ em, tổ chức đời sống hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em; kỹ năng sống; kết nối tư vấn về pháp lý, y tế, nghề nghiệp... được đặt tại Trung tâm - là nơi tiếp nhận, sàng lọc và chuyển nạn nhân về NNBY.