Nghị lực của người phụ nữ làm nghề bó chổi que dừa
- Nghe câu chuyện trực tiếp tại đây -
Thời điểm đại dịch Covid 19 diễn ra, chị Phụng bị bệnh nặng, bao nhiêu tiền gom góp được đều được dùng để trang trải chi phí điều trị, cuộc sống khó khăn chồng chất. Nhưng chị luôn tâm niệm “sau cơn mưa trời lại sáng”, chị nỗ lực tìm kiếm cơ hội để thoát nghèo cho bản thân, và xa hơn là cho các chị em phụ nữ khác tại địa phương.
Dù xuất thân từ nghề may nhưng do mắt mờ nên việc may vá gặp nhiều khó khăn. Chị Phụng đã mạnh dạn học nghề truyền thống bó chổi que dừa tại Bến Tre và đem về quê hương Tiền Giang để khởi nghiệp. Sau khi học được nghề, khó khăn của chị là tìm vốn để bắt đầu. Thật đúng thời điểm, dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 lần thứ tư tại Tiền Giang” của UN Women đã xem xét và hỗ trợ cho chị 5.500.000 đồng. Từ “đòn bẩy” đó, chị Phụng đã bắt tay vào nghề bó chổi que dừa. Chị mua 100kg que dừa, 20kg bẹ dừa và dây để tạo ra sản phẩm chổi. Chị tìm lại các thương lái và tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm. Dần dần, chị tích lũy nguồn vốn và lãi để mở rộng ngành nghề. Hiện tại, chị đã tích luỹ hơn 20 triệu đồng.
Không chỉ tạo ra sinh kế cho mình, chị Phụng còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dạy nghề và tạo việc làm cho các chị em khác. Thu nhập nhàn rỗi của các chị em từ nghề bó chổi que dừa trung bình là 2.000.000đ - 3.000.000đ/tháng. Sản phẩm tạo ra vừa đẹp lại chắc, được thị trường đón nhận. Các thương lái quay lại thu mua nhiều, nhận thấy tiềm năng từ những bó chổi que dừa, chị Phụng tìm cách mở rộng thêm nguồn tiêu thụ ở các tỉnh khác như Đà Lạt.
Ở địa phương, chị Phụng là một hình mẫu phụ nữ vượt qua khó khăn, tìm kiếm cơ hội để phát triển kinh doanh, không chỉ tự mình thành công mà còn tạo việc làm cho các chị em trong xã, nhất là chị em bị thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự kiên nhẫn, sáng tạo và quyết tâm của chị Phụng đã cổ vũ cho nhiều phụ nữ, lan tỏa tinh thần kinh doanh tích cực cho cộng đồng!