Bến bờ nào cho em?
Vào một ngày cuối xuân lạnh lẽo, ẩm ướt mưa phùn tháng 3, chúng tôi nhận được 1 cuộc gọi khẩn cấp từ phòng 12 – pc14 Hà Nội thông báo mời đến tiếp nhận trường hợp 1 nạn nhân bị buôn bán từ Trung Quốc trở về. Ngay lập tức tôi cùng một nhân viên xã hội đã lên đường.
Đến số 7 Hồ Thiền Quang, chúng tôi đích thân gặp đồng chí đội trưởng và 1 cán bộ cảnh sát điều tra của phòng 12 đang làm việc với nạn nhân, một cô gái với khuôn mặt mất ngủ, phờ phạc, quần áo nhàu nhĩ. Không chút bối rối em trả lời các câu hỏi của các anh công an một cách rõ ràng, rành mạch. Bằng biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng các đồng chí đã xác nhận V là nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc làm vợ và trở về Việt Nam vào giữa năm 2010. Không những thế, em còn là nạn nhân của 1 vụ buôn bán người khi em mới 10 tuổi. Qua cuộc trò chuyện chúng tôi được biết em tên T.T.A.V, quê ở một tỉnh trung du, đang làm thuê ở Hà Nội.
V là con gái thứ 2 trong 1 gia đình nông dân nghèo, trên em là 1 người anh trai giờ đã trưởng thành nhưng cũng không được khỏe mạnh cho lắm và hiện vẫn sống chung với cha mẹ. Tuổi thơ theo ký ức của V chỉ là những kỷ niệm đau buồn về trận đòn roi, lời mắng chửi trong những bữa ăn đạm bạc của ông bố nghiện rượu suốt ngày đầu tắt mặt tối, thất chí vì nghèo nên ngày ngày luôn tìm cách trút xuống người mẹ ốm yếu của em. Thương mẹ em sợ hãi, bất lực, cô độc… nhiều lần em tự hỏi tại sao mẹ phải chịu đựng nhưng mẹ chỉ đáp: “tại ông ấy vất vả quá”. Khi mang thai em, mẹ bị bệnh nặng và cho đến tận bây giờ bà vẫn không hồi phục được nên phải hoàn toàn sống dựa vào chồng. Không biết có phải vì vậy hay không mà mãi đến 7-8 tuổi em mới biết nói? Và em cũng chẳng hiểu tại sao bố luôn mắng em là “con điên”, “con rồ”?
Học dở lớp 3 em bỏ học ở nhà, suốt ngày lang thang như 1 đứa trẻ cơ nhỡ. Thỉnh thoảng em không về nhà nhưng bố mẹ em cũng chẳng hề bận tâm và trong 1 lần đến chơi nhà bạn em đã bị một gã xe ôm nhẫn tâm lừa bán vào quán cà phê ở mãi tận Hà Tây. V còn nhớ rõ tên và cả màu chiếc xe máy mà hắn đi. Do quá nhỏ nên chủ quán giữ em lại làm osin sau 2 năm mới bắt đi bán dâm. Ban đầu em không chấp nhận nên bị đánh, bị nhốt nên buộc phải đồng ý. Các cô gái lớn tuổi hơn làm cùng ở quán thường nhận tiếp khách thay vì thương em quá bé. Bị buộc phải bán dâm đến năm 15 tuổi em may mắn được 1 người lái xe taxi chuộc ra và đưa về Hà Nội làm thuê cho quán ăn. Được hơn 1 năm thì em bỏ việc để tìm về quê nhà. Nghe kể lại những gì xảy ra với em trong 4 năm vắng nhà, mọi người chẳng ai tin. Bố lại càng chẳng tin, ông luôn miệng nhiếc móc “con điên” và không ngừng xỉ vả.
Chán chường em lại bỏ về Hà Nội tìm việc làm và bị 2 kẻ bất lương lừa bán sang Quảng Tây, Trung Quốc. May mắn người đàn ông mua em về còn trẻ, anh ta đã từng có vợ và có 1 con riêng nhưng đối xử với em khá tốt. 2 lần có thai nhưng cả 2 lần em đều bị sảy. Tự thấy sức khỏe không tốt, hay ốm đau nên em xin chồng cho em về Việt Nam và được anh ta chấp nhận. Giữa năm 2012 em về lại với gia đình sau 3 năm làm vợ nơi xứ người. Nghe nói, người chồng Trung Quốc của cô đã mua 1 cô gái Việt Nam khác thay thế em rồi.
Sau khi trở về Việt Nam, em mang đơn trình báo đến 1 vài nơi với mong muốn bắt những kẻ lừa bán mình phải đền tội nhưng không có kết quả. Nơi thì từ chối tiếp nhận đơn, nơi thì nhận nhưng chẳng thấy có hồi âm. Không muốn quay về quê nhà, nơi vẫn còn cả cha lẫn mẹ nhưng từ lâu đã không còn là tổ ấm, là chỗ dựa nên em nhọc nhằn kiếm sống ở Hà Nội. Nhiều lần em thấy bế tắc, thường xuyên mất ngủ và gặp ác mộng. Vẫn là những cơn mơ mà trong đó em gào thét đến tuyệt vọng để xin bố đừng đánh mẹ để rồi giật mình tỉnh giấc mới biết mình đang mơ ngủ. Trốn chạy khỏi cảm giác đau buồn, khát khao được yêu thương cháy bỏng đã khiến em uống rượu hàng đêm. Em ngụp lặn tìm kiếm hơi ấm ở những người đàn ông, thậm chí với kẻ đã chuộc em khỏi ổ chứa năm nào. Em ngây thơ tin rằng họ yêu mình và một ngày nào đó họ sẽ cưới em làm vợ.
Giữa những bộn bề của tổn thương đó, em vẫn đau đáu đi tìm công lý cho bản thân và đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng. Nhờ có người chỉ dẫn, em đến phòng Cảnh sát điều tra Tệ nạn xã hội – PC45 Hà Nội. Lần này em đã đúng, họ tin tưởng lời khai, nhận đơn và còn xác minh được nhiều hơn thông tin mà em đang có. Họ đã giúp em tìm đến Ngôi nhà Bình yên. Chính nơi đây đã giúp em hàn gắn vết thương tâm trí, lấy lại niềm tin vào cuộc sống, vào con người. Nhà Bình yên cho em cơ hội được học nghề và khám phá lại bản thân để tự tin bước vào tương lai.
Ghi chép của nhân viên CTXH – Ngôi nhà Bình yên