Đồng hành cùng sự phát triển của Phụ nữ

LA
Linh Anh
8 tháng trước đây
Bình luận
Thể hiện sự đồng cảm của bạn với bài viết
Chia sẻ
Chia sẻ nội dung hữu ích ra cộng dồng
Câu chuyện của bạn
Chia sẻ câu chuyện của chính bạn

Hai lần đến với Ngôi nhà Bình yên

Ngôi nhà Bình yên đã đón nhận nhiều trường hợp đến tạm lánh nhiều hơn 1 lần, cá biệt có người đến với NNBY tận 5 lần. Câu chuyện này về 1 trường hợp có 2 lần đến NBY vì 2 lí do khác nhau…

Lần đầu tới Ngôi nhà Bình yên….

Một ngày giữa tháng 6/2013, NNBY tiếp nhận hai nạn nhân bị bán sang Trung Quốc do Cục Cảnh sát hình sự (C45) chuyển về. Một trong hai em là B.N. 17 tuổi, người miền Trung.  Em cùng một cô bạn lên Hà Nội chơi và gặp hai cậu con trai chạc tuổi họ. Dù lần đầu đặt chân lên Thủ đô, lần đầu gặp hai người bạn mới nhưng khi được rủ lên biên giới chơi thì cả hai đã đồng ý ngay, không chút nghi ngờ. Rất nhanh, họ bị bán vào một ổ mại dâm trên đất Trung Quốc. Một tháng sau, họ may mắn được công an địa phương giải cứu và được trả về Việt Nam.

Rời khỏi địa phận Trung Quốc, N. được mẹ lên tận cửa khẩu đón về nhà. Vài ngày sau, cha mẹ em đã liên hệ với Ngôi nhà Bình yên để xin cho con gái mình được vào tạm trú tại đây. Có lẽ ngoài lý do sợ điều tiếng của hàng xóm, sâu trong thâm tâm người làm cha làm mẹ ấy còn một lý do khó nói hơn: cảm thấy bất lực với cô con gái dại dột của mình.

Những ngày đầu tiên tới NNBY, N. đã tỏ ra là một cô gái ngỗ ngược, thường xuyên vi phạm quy định, bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở. Em hay tỏ thái độ bất hợp tác. Em không thích một cuộc sống có trật tự. Ở NNBY em cảm thấy tù túng, ngột ngạt nên chỉ sau vài tuần em đã xin tạm vắng về nhà.

Hết thời gian tạm vắng, em nói với gia đình sẽ cùng cô bạn trở lại NNBY nhưng cả hai xuống xe giữa chừng. Người thân tìm thấy hai em trong tình trạng phê ma túy ở một nhà ga. Lo sợ con gái nghiện nặng, họ nhốt con mình tại nhà để theo dõi và quản lý. Tháng 7/2013, NNBY làm thủ tục đóng ca nhưng vẫn giữ liên hệ với gia đình để nắm tình hình.

Tháng 9/2013, N lấy chồng. Chồng N vốn là người yêu cũ từ trước khi em bị bán đi Trung Quốc. Anh ta làm nghề lái xe, từ nhỏ đã phải sống trong cảnh bạo lực gia đình, chứng kiến bố thường xuyên say rượu đánh đuổi mẹ. Không được quan tâm chăm sóc chu đáo nên anh ta bỏ học sớm, tham gia băng nhóm giang hồ, sử dụng ma túy, đánh lộn. Tuy vậy N vẫn chấp nhận đi đến kết hôn với anh ta vì ý nghĩ “may mắn có người không quan tâm đến việc mình từng bị bán sang Trung Quốc”. Còn mẹ N chỉ mong sớm có người thay bà “dạy bảo” con gái.

Hai con người như hai mảnh ghép nhiều lỗi, ghép vào nhau chỉ khiến bức tranh thêm lệch lạc. Lấy nhau về, họ thường xuyên mâu thuẫn cãi vã. Chồng N. vẫn sống cuộc sống giang hồ, đánh nhau, đòi nợ thuê, sử dụng ma túy, vẫn bỏ nhà đi hoang, quan hệ với những người phụ nữ khác. N. cũng không nghề nghiệp, không tiền, bị chồng bạo hành như cơm bữa. Đáng nói là mẹ N. ủng hộ việc này. Bà nghĩ “đòn roi sẽ giúp N. đúng đắn hơn”. Mẹ chồng cũng không hài lòng với N., bà mắng mỏ, chì chiết con dâu mỗi ngày.

 

Lần thứ hai quay lại….

Cuộc sống càng đen tối hơn khi N. có thai nhưng lại bị chết lưu. Kiệt quệ về thể chất, mệt mỏi vì bị chồng đánh chửi nên N. đã cầu cứu mẹ đẻ và bỏ trốn khỏi nhà chồng. Sợ con rể tìm đến gây gổ nên mẹ N. đã liên hệ với người quản lý của NNBY và N. quay lại NNBY vào tháng 2/2014. Lần này N. vào NNBY với lý do bị bạo lực gia đình.

Tháng đầu tiên N. ở NNBY với tâm trạng hết sức tồi tệ. Cảm giác bế tắc, tuyệt vọng, không có lối thoát vì quá sợ hãi người chồng quen thói hành xử xã hội đen. Em muốn ly hôn chồng nhưng lại gặp khó khăn do mẹ đẻ can thiệp quá sâu, hầu như không cho em có quyền tự quyết định. Mẹ em sợ bị con rể trả thù nên lại muốn đẩy em về với chồng. Người chồng thì không muốn ly hôn. N đã khóc rất nhiều, luôn căng thẳng và rất dễ bị kích động.

Nhận thấy tâm lý của N. rất bất ổn, cần được trị liệu chuyên sâu, các cán bộ tại NNBY đã dùng nhiều cách thức để giúp em ổn định tinh thần và chữa lành các “vết thương”. Ngoài các buổi tham vấn riêng, sinh hoạt định kỳ tại NNBY, cán bộ quản lý ca còn đưa em đi thăm khám bác sĩ tâm lý tại bệnh viện và cùng bác sĩ lên một phác đồ trị liệu chuyên sâu trong 6 tháng. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực của cán bộ tham vấn và bác sĩ, N. cũng thay đổi nhận thức và xác định được mục tiêu, kế hoạch cho bản thân. Em quyết định li hôn chồng và đi học nghề để tìm cuộc sống mới ở địa phương khác, xa hẳn quê hương em đang sống.

Bên cạnh việc phục hồi tâm lý, N. cũng được khuyến khích học nghề để có một công việc ổn định và phù hợp. Từ tháng 3/2014, N được giới thiệu theo học khóa đào tạo nghề bàn bar trong 3 tháng tại Trung tâm Reach. Trong thời gian học nghề, N. đã cố gắng để vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại: khó khăn để thoát khỏi sự kiểm soát của người chồng bạo lực; khó khăn để thuyết phục người mẹ ngừng can thiệp, sắp đặt cuộc đời của N và tôn trọng ý nguyện của con gái; khó khăn trong việc hòa nhập, giao tiếp với những người tạm trú khác và bạn bè cùng lớp. Đặc biệt N. học cách đối mặt với chính bản thân mình để hàn gắn những tổn thương quá khứ, tự xây dựng cho mình thói quen sống kỷ luật và tư duy tích cực, sự yêu thương dành cho bản thân và cuộc sống…

Tháng 6/2014, sau khi hoàn thành khóa học nghề, N đi phỏng vấn và được chấp nhận học tiếp 1 khóa nâng cao 6 tháng đào tạo nghề pha chế tại những khách sạn cao cấp. Sau khi được nhận được sự tham vấn của các cô bác trong NNBY, N quyết định sẽ theo học tiếp để có cơ hội chạm vào công việc mong muốn là nhân viên khách sạn 5 sao…

Cuộc đời dần sang trang với cô gái trẻ chưa đầy 20 tuổi. Sau khi học xong, em sẽ có thể tự quyết định cuộc đời mình theo cách đúng đắn nhất. Chúng tôi tin em sẽ tìm thấy hạnh phúc tự thân trong tương lai không xa.

- Ghi chép ca của cán bộ NNBY – tháng 7/2014 -

Trung tâm phụ nữ và phát triển
"Vì sự bình yên" là cổng thông tin chia sẻ, tương tác trực tuyến các câu chuyện thực tế của phụ nữ Việt Nam
A

Bài viết khác

Khi thai nhi trở thành một món hàng….
0
55

Khi thai nhi trở thành một món hàng….

Em phát hiện ra mình có bầu khi đứa đầu mới có 1 tuổi, thu nhập không ổn định, kinh tế khó khăn mà bỏ con thì không đành nên em đã lên các nhóm hiếm muộn trên facebook với mong muốn tìm cho con mình một nơi tử tế để gửi gắm, hi vọng con có tương lai tốt hơn.
NNBY
Ngôi nhà Bình yên
Nghị lực của người phụ nữ làm nghề bó chổi que dừa
4
241

Nghị lực của người phụ nữ làm nghề bó chổi que dừa

Chị Nguyễn Thị Tuyết Phụng là một phụ nữ trung niên sống tại ấp 2 xã Bình Xuân, TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang - một xã vùng sâu chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhất là vào thời gian gần đây, hạn mặn đã diễn ra làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân trong tháng 4, 5/2024.
YN
Yến Ngân
Vợ chồng đồng lòng vượt khó nhờ nuôi dê
2
139

Vợ chồng đồng lòng vượt khó nhờ nuôi dê

Cô Nguyễn Thị Phượng sinh năm 1962 sống tại xã Thới Sơn, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cùng chồng, vợ chồng con trai và 05 đứa cháu nội. Cuộc sống đại gia đình khó khăn, cô Phượng bị bệnh tim mãn tính phải uống thuốc quanh năm, chồng cô bị tai nạn lao động yếu nửa người, thu nhập chính từ con trai và con dâu, nhà phải nuôi thêm 05 đứa cháu nhỏ ở tuổi tiểu học.
YN
Yến Ngân
Chiếc máy may công nghiệp mang lại hi vọng cho người phụ nữ khuyết tật
0
134

Chiếc máy may công nghiệp mang lại hi vọng cho người phụ nữ khuyết tật

Chị Ngô Ngọc Rỡ, sinh năm 1963, sinh sống tại ấp Tân Hoà, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng nông thôn. Từ nhỏ, chị đã bị bại liệt cả hai chân do di chứng của một trận sốt cao. Sau này chị may mắn gặp được 1 người chồng có cùng hoàn cảnh với mình. Chồng chị cũng là người bại liệt cả 2 chân, không đi lại được. Anh chị đến với nhau trong tình thương yêu và có ba người con. Cuộc sống của gia đình 5 người ấy chưa bao giờ dễ dàng.
YN
Yến Ngân